-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

10 quốc gia giữ kỷ lục kỳ quặc nhất
Đăng bởi Admin vào lúc 21/04/2017
Đức trở thành nhà thổ lớn nhất châu Âu với hơn 300.000 gái mại dâm, hơn 1/3 dân số Áo hút thuốc lá thường xuyên, còn mức tiêu thụ cồn ở Belarus gấp 3 lần mức trung bình thế giới.
Nhà thổ lớn nhất châu Âu
Kể từ khi hợp pháp hóa mại dâm vào năm 2002, Đức trở thành “siêu thị mại dâm” khổng lồ với khoảng 300.000 người lao động tình dục. Thậm chí, một người ở bang Florida, Mỹ, còn bay tới Đức mỗi năm 3 lần để tận dụng mức giá chiết khấu. Người ta ước tính khoảng 500 nhà thổ đang tồn tại ở Berlin trong tổng số hơn 3.000 nhà thổ trên cả nước. Doanh thu mỗi năm của ngành công nghiệp mại dâm lên đến 20 tỷ USD và Đức trở thành nhà thổ lớn nhất châu Âu, theo New York Post.
Tình trạng mại dâm bùng nổ ở Đức gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều kẻ lừa bán, buộc các cô gái nước ngoài tham gia vào ngành công nghiệp mại dâm ở Đức. Chủ chứa thu lợi nhuận khổng lồ trong khi người lao động nhận mức tiền công rẻ mạt. Theo các cuộc khảo sát, khoảng 90% phụ nữ trở thành gái mại dâm do tình trạng ép buộc. Một thành viên Quốc hội Đức cho biết: “Vào thời điểm đó, người ta cho rằng hợp pháp hóa mại dâm có thể cải thiện tình hình của những người lao động tình dục. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Giờ chúng tôi biết rằng cách nghĩ tốt chưa chắc mang lại hiệu quả tốt”.
Nước có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất
Hầu hết mọi người đều biết hút thuốc lá là tác nhân chủ yếu dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, khoảng 36,3% dân số nước Áo vẫn hút thuốc. Do đó, Áo trở thành quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới. Theo dữ liệu thống kê, trong năm 2010, khoảng 60% dân số trong độ tuổi từ 20 đến 50 - tương đương 2,5 triệu người, và 41% thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 20 - thừa nhận họ thường xuyên hút thuốc.
Tình trạng nghiện thuốc lá ở Áo khiến các quốc gia châu Âu lo ngại. Năm 2009, chính phủ Áo áp dụng chính sách cấm thuốc lá của EU, yêu cầu các nhà hàng và quán bar lớn chuyển ít nhất 50% số ghế vào khu vực cấm hút thuốc, Tân Hoa Xã đưa tin. Động thái này khiến người dân phẫn nộ. Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, họ sẽ công khai vi phạm luật vì sợ mất khách hàng. Năm 2010, chỉ 19% dân số ủng hộ chính sách cấm thuốc lá ở các nhà hàng và không gian khép kín. Thực tế đó đồng nghĩa với việc 3,5 triệu người ở Áo vẫn tự do duy trì thói quen hút thuốc.
Dân Belarus uống nhiều rượu nhất
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bình quân một năm, mỗi người Belarus tiêu thụ khoảng 17,5 lít cồn nguyên chất, gấp 3 lần mức trung bình toàn thế giới (6,2 lít). Lượng rượu trung bình một người đàn ông uống lên tới 27,5 lít/năm. Belarus Digest cho biết, rượu chiếm 46,6%, bia và rượu vang chiếm 22,5% trong tổng lượng đồ uống có cồn. Hơn 30% còn lại gồm rượu trái cây và vodka người dân tự nấu.
Chính phủ Belarus phủ nhận báo cáo của WHO, tuyên bố con số thực tế thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, dư luận chỉ trích chính phủ vì họ tính cả trẻ em và trẻ sơ sinh, những đối tượng không uống rượu, để giảm tỷ lệ chung. Dù vậy, giới chức cũng thực hiện chương trình chống rượu, bao gồm mức tiền phạt cao đối với người lái xe khi say rượu và cấm nấu rượu hoa quả. Chính phủ cũng lên kế hoạch tăng tuổi được phép uống rượu từ 18 lên 21, tăng giá rượu. Tuy nhiên, dường như rượu đã ăn sâu vào văn hóa Đông Âu. Theo báo cáo của WHO, 5 quốc gia tiêu thụ rượu nhiều lớn nhất thế giới thuộc khu vực này.
Honduras, nơi hoạt động phá rừng diễn ra mạnh nhất
Nạn phá rừng là một vấn đề toàn cầu và Hondarus là nước có tỷ lệ phá rừng cao nhất. Theo Báo cáo Đánh giá Tài nguyên Rừng Toàn cầu, Honduras đánh mất vị trí thứ 4 trong số những nước có tỷ lệ diện tích rừng trên tổng diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới trong giai đoạn 1995 - 2005, sau Comoros, Burundi và Togo. Thay vào đó, quốc gia Trung Mỹ này lại lọt vào danh sách 20 nước có tổng diện tích rừng bị phá cao nhất. Thực tế đó cho thấy nạn phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng ở Honduras.
Khoảng 70% dân số Honduras sống trong cảnh nghèo, Honduras Weekly cho hay. Nhiên liệu chính của họ là củi. Các chủ trang trại cà phê không quan tâm đến việc diện tích rừng giảm dần. Những kẻ buôn ma túy lại coi phá rừng là cơ hội kiếm tiền, bởi chúng có thể ép các nhà bảo tồn sinh thái và người dân bản địa rời khỏi mảnh đất của họ bằng cách phá rừng. Vì thế, diện tích rừng bị phá ở Honduras tăng 4 lần từ năm 2007 đến năm 2011.
Dân Chad có tuổi thọ trung bình thấp nhất
Cộng hòa Chad là nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới, 49 tuổi, do tình trạng suy dinh dưỡng, theo Telegraph. Là một quốc gia sa mạc, Chad thường chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hạn hán và các thiên tai khác. Cuộc xung đột gần đây với nước láng giềng Sudan khiến hàng nghìn người vượt biên để tìm kiếm sự an toàn. Bên cạnh đó, Chad cũng trải qua cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ và một cuộc xung đột tàn bạo với chế độ Gadhafi ở Lybia.
Ngoài ra, Chad đang chống chọi đại dịch HIV/AIDS. Khoảng 3,4% người trưởng thành nhiễm bệnh, hơn 120.000 trẻ em mất cha, mẹ vì căn bệnh thế kỷ. Tình trạng khan hiếm nước sạch (chỉ khoảng 4% dân số nông thôn có nước sạch để dùng) cũng là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ trung bình thấp. Tiêu chảy, dịch tả và bệnh thương hàn thường xuyên bùng phát, trở thành căn bệnh chết người tại quốc gia mà tỷ lệ bác sĩ chỉ chiếm 1/38.000 dân số.
Somalia dẫn đầu về số lượng binh sĩ trẻ em, Nhật Bản đối xử tàn bạo với động vật nhất trong khi tục ăn thịt người vẫn tồn tại ở Papua New Guinea.
Tục ăn thịt người ở Papua New Guinea
Ngay từ thời tiền sử, việc ăn thịt người đã là hiện tượng hiếm. Tới thế kỷ 19, nó hầu như không còn tồn tại, ngoại trừ ở Papua New Guinea. Nơi đây có nhiều khu rừng hoang dã với các loài động vật bí ẩn và những bộ tộc tách biệt khỏi thế giới. Một số nhóm người ở đây vẫn duy trì nghi lễ ăn thịt người. Ví dụ, người Korowai ăn thịt những kẻ mà họ nghi ngờ là phù thủy (khakhua). Người Korowai không hiểu biết về y học. Họ cho rằng bệnh tật bắt nguồn từ việc khakhua sử dụng phép thuật để đốt cháy nạn nhân từ bên trong. Để trả thù, họ thường giết, xẻ thịt các khakhua và ăn. Mặc dù phần lớn người Korowai đã hủy bỏ nghi lễ này nhưng một số bộ tộc sống cô lập vẫn duy trì nó.
Từ xa xưa, tộc Fore ở Papua New Guinea lưu truyền nghi lễ ăn xác các thành viên bộ tộc vừa mới qua đời. Trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, bệnh kuru, có nghĩa là “cái chết run rẩy”, khiến khoảng 1.000 thành viên của tộc Fore thiệt mạng. Các nghiên cứu cho thấy kuru là một bệnh thần kinh lây truyền do ăn não của người nhiễm bệnh, theo Scienceblogs.
Người Nhật Bản đối xử tàn bạo với động vật nhất
Dù không có cách nào để xác định chính xác, các tổ chức bảo tồn vẫn coi Nhật Bản là nước đối xử tàn bạo với động vật nhất. Người Nhật đánh bắt cá voi và cá heo với quy mô lớn. Nhiều chủ tàu lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khoa học để né tránh các thỏa thuận quốc tế về cá voi. Vì nhu cầu về thịt cá voi giảm mạnh trong vòng 50 năm qua, ngành công nghiệp này không còn đạt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp khoảng 10 triệu USD/năm. Nhiều tổ chức bảo tồn cho rằng, người Nhật cung cấp thịt cá voi cho học sinh dưới cái mác “bài học về bữa trưa tại trường học trong quá khứ”, Theepochtimes cho hay.
Trong cuộc săn hàng năm ở vịnh Taiji, người Nhật sử dụng sóng âm, dồn khoảng 2.500 con cá voi vào một vịnh nhỏ và để chúng mắc kẹt ở đó qua đêm. Sáng hôm sau, họ đâm chết đàn cá bằng lao móc, lưỡi câu và dao. Máu cá voi nhuộm đỏ cả vùng vịnh.
Tình hình trên đất liền cũng không khá hơn. Năm 1973, Nhật Bản ban hành Luật Phúc lợi và Quản lý Động vật. Theo luật, chủ nuôi phải “xử lý” chó, mèo đúng cách nếu họ không tiếp tục nuôi chúng. Cách thông thường nhất là dùng gas và các con vật phải trải qua cảm giác đau đớn trong 30 phút trước khi chết. Sau đó, Trung tâm Phúc lợi Động vật ở thành phố Kumamoto bắt đầu can thiệp, cố gắng tìm hiểu lý do chủ nuôi muốn xử lý chúng. Hầu hết chủ nuôi thay đổi ý kiến sau buổi nói chuyện và tiếp tục chăm sóc các con vật. Năm 2002, trung tâm xử lý gần 400 con. Tới năm 2009, số lượng giảm xuống còn 7.
Somalia có số lượng binh sĩ trẻ em lớn nhất
Hầu hết các nước lên án việc sử dụng binh sĩ trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em tham gia chiến đấu vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Thực trạng ấy diễn ra rất nghiêm trọng ở Somalia, nơi các nhóm Hồi giáo vũ trang tuyển dụng trẻ em khoảng 10 tuổi làm bia đỡ đạn trong các cuộc xung đột với lực lượng chính phủ, CNN đưa tin.
Nhóm khủng bố khét tiếng al-Shabab từng điều một xe tải để chở binh sĩ nhí làm lá chắn cho các chiến binh giàu kinh nghiệm hơn. Một người sống sót cho biết 98 trong tổng số 100 bạn cùng lớp của cậu chết ngay sau khi al-Shabab điều họ ra trận: “Những đứa trẻ chết trong khi chiến binh người lớn bỏ chạy”.
Nhóm khủng bố sử dụng trẻ em để dụ dỗ những đứa trẻ khác. Một bé rủ bạn tới sân để chơi bóng. Tuy nhiên khi đến sân, những chiến binh bắt bọn trẻ và đưa các em tới trại huấn luyện. Trong trường hợp khác, một bà mẹ nhận cuộc gọi từ nhóm khủng bố. Chúng cam kết sẽ dạy cho con trai bà tất cả những triết lý Hồi giáo cậu học ở trường. Tuy nhiên, người ta cũng cáo buộc chính phủ lâm thời Somalia sử dụng binh sĩ trẻ em trong cuộc chiến chống al-Shabab.
Bangladesh, nơi hoạt động buôn người diễn ra mạnh nhất
Buôn người là một tội ác khủng khiếp nhưng diễn ra khá phổ biến. Hàng năm, khoảng 600.000 đến 800.000 người bị buôn bán qua biên giới. Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn nhiều. Các nạn nhân trở thành nô lệ, một nửa trong số đó bị lạm dụng tình dục.
Nạn buôn người diễn ra tồi tệ nhất ở Bangladesh. Mỗi năm, khoảng 50.000 phụ nữ và trẻ em Bangladesh bị bán ra nước ngoài, The National cho hay. Mặc dù không có số liệu chính thức về số đàn ông rơi vào tay các nhóm buôn người, người ta cho rằng hàng chục nghìn nam giới bị bán làm lao động sang Ấn Độ và Trung Đông. Ngoài ra, nhiều người trở thành nô lệ trong nước. Những kẻ buôn người dụ dỗ phụ nữ bằng lời hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài. Từ năm 1999 đến năm 2004, Bangladesh xét xử 53 kẻ buôn người nhưng chỉ kết án 21 tên.
Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc
Trong một thế giới coi trọng ngoại hình, nhiều người không tiếc bỏ tiền bạc và chấp nhận mạo hiểm để bản thân đẹp hơn. Hàn Quốc trở thành quốc gia có tỷ lệ người phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất. Theo ước tính, khoảng 1/5 phụ nữ Hàn Quốc từng nhờ đến dao kéo để làm đẹp, cao gấp 4 lần so với phụ nữ Mỹ. Danh tiếng của các chuyên gia thẩm mỹ lan rộng toàn cầu. Khoảng 7,5 triệu người đã đến Hàn Quốc để phẫu thuật, bao gồm nhiều thành viên của cộng đồng người Hàn Quốc ở nước ngoài.
Không ai biết chính xác lý do phụ nữ Hàn Quốc nhất thiết phải phẫu thuật thẩm mỹ, có thể là vì họ quá coi trọng ngoại hình. Loại phẫu thuật phổ biến là làm to mắt, sửa mũi và chỉnh hàm.
Theo Zing