-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết trong thời tiết đầu hè
Đăng bởi Admin vào lúc 21/04/2017

Đầu hè cần cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết
Nên phát hiện sớm để tránh ổ dịch
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti dân gian hay gọi là muỗi vằn (muỗi có nhiều khoang trắng ở lưng và chân) là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Loại muỗi này thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, muỗi được sinh ra từ bọ gậy, bọ gậy được sinh ra từ những nơi đọng nước…
Bệnh sốt xuất huyết này xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa và đầu hè khi thời tiết thay đổi thất thường. Bệnh hoàn toàn có thể bộc phát thành dịch đe doạ sinh mạng trẻ em và sức khỏe của nhiều người. Sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh và có khả năng gây tử vong cao nếu không được phòng bệnh. Đối với bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc trị bệnh.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở trẻ em, sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục trong 3 - 4 ngày. Đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi).
Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Do đó khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn theo dõi.
Sốt xuất huyết – phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Bệnh xuất huyết nguy hiểm nhưng mọi người không nên quá lo lắng, điều quan trọng là mọi người cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh các nhân và nên nhớ cần phát quang nơi đọng nước tránh muỗi lập ổ sinh sản.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cũng tư vấn về cách phòng bệnh sốt xuất huyết. đối với trẻ em (đối tượng dễ mắc bệnh) nên mặc quần áo dài tay khi thời tiết thay đổi thất thường nhất là những ngày mưa, ngủ mắc màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ ở những nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp, đặc biệt là những nơi gần bể nước, cống nước ô nhiễm.
Cần diệt ấu trùng muỗi hoặc không tạo điều kiện để muỗi đẻ trứng như thả cá vàng hoặc các loại cá ăn lăng quăng vào trong lu, giếng, chum, vại,...; đổ các nước trong các vật đựng nước không cần thiết; tránh để đồ đạc lộn xộn hoặc để nhiều đồ vào chỗ tối tạo khe hở cho muỗi sinh sản; đặt bát nước muối ở các khe trong nhà; sử dụng nhang muỗi, thuốc xịt.
Nếu bị bệnh, người bệnh chỉ uống thuốc để hạ sốt, ngoài ra không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước mát hoặc nước trái cây để giải nhiệt, tránh ăn những thức ăn khó tiêu.
Theo Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết trên thế giới diễn ra khá phức tạp. Bệnh lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương như Úc, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào… Trong đó Úc tăng 14,3%, Malaysia tăng 313%...
Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc tại 41 tỉnh thành phố, 4 trường hợp tử vong ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 38,8%, tử vong giảm 6 trường hợp.
Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam với 83,8% số mắc cả nước. 51 tỉnh thành ghi nhận số mắc sốt xuất huyết so với 2013. 5 tỉnh thành ghi nhận số mắc tương đương cùng kỳ 2013. Trong đó có 18 tỉnh thành ghi nhận trên 100 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tập trung tại: thành phố Hồ Chí Mình, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bìa Rịa – Vũng Tàu, Long An.
Tiến sĩ Phu khẳng định sốt xuất huyết là bệnh lưu hành ở mức cao tại các khu vực Đông Nam Á. Thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 5) là thời điểm vào mùa dịch, ghi nhận số mắc gia tăng theo thống kê hàng năm. Bệnh chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, tập quán trữ nước tại nhiều địa phương khiến nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn. Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa ca mắc, tử vong là điều cần thiết.