-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

Người dân bay ở chân trời Yên Bái
Đăng bởi Admin vào lúc 21/04/2017
Đường mở mà không có cầu, để vận chuyển xe máy và hàng hóa mỗi lần đi chợ dân bản lại phải đu trên dây cáp cao hàng trăm mét vượt suối.
'Cầu tạm thì xe và hàng hóa không thể mang qua mà cứ mưa lớn là lại trôi mất, còn cứ để người dân đi 'cáp treo' như vậy thì lại càng nguy hiểm'. – Anh Sùng A Cầu bày tỏ.
Nằm biệt lập trong một khu rừng sâu núi thẳm ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) có một bản mang tên Làng Lao, nơi đây 100% là người Mông sinh sống. Trước đây con đường độc đạo lên bản chỉ có thể đi bộ, từ đường quốc lộ xuyên qua rừng lên đến bản phải mất 8 tiếng đi bộ.
Sau này chính quyền xã vận động nhân dân 'hạ sơn' xuống ở dưới thấp hơn, thanh niên tình nguyện cũng tham gia góp sức mở đường, nhưng đường chưa mở xong thì hết vốn quyên góp, con đường lên bản mới cheo leo, nham nhở, và thậm chí chưa có cầu qua một con suối sâu và rộng, nước chảy xiết quanh năm.
Họ nghĩ ra một cách là buộc hai đầu sợi dây cáp ở hai bên khe suối tạo thành chiếc 'cáp treo' rồi cả người cả xe đu sang bên kia ở độ cao hàng trăm mét so với mặt suối, có hàng hóa nông sản gì cũng vận chuyển như vậy.
Đặc biệt, cách làm này rất thô sơ, hai đầu dây cáp được buộc vào cây gỗ lớn chon sâu xuống đất.
Chiếc cabin được mọi người góp tiền làm bằng khung sắt, được gia cố bằng gỗ và dây thừng.
Hàng ngày có hàng chục lượt di chuyển như vậy bằng chiếc cáp treo này, tính mạng của người dân nơi đây cứ lơ lửng như vậy.
Sùng A Vàng -người dân bản Làng Lao cho biết cứ đi mãi rồi thành quen, chỉ sợ những ngày có gió to, dây rung lắc không biết sẽ bị hất xuống vào lúc nào.
Tuy nhiên, người dân không còn lựa chọn nào khác bởi con đường độc đạo kia mới chỉ được mở để cho người đi bộ đi, còn hàng hóa, xe máy không thể di chuyển. Nhưng dù đường khó vẫn cố mà đi được, còn cần nhất vẫn là một cây cầu kiên cố bắc qua suối.
Ai ko dám qua 'cáp treo' thì phải đi vòng bằng một con đường nhỏ dốc dựng đứng chỉ vừa 1 người đi rồi qua cây cầu khỉ, đường chỉ có thể đi người không chứ không mang theo được đồ đạc nặng.
Trưởng bản Sùng A Câu cho biết: 'Giờ thì nhà cửa đã dựng xong, đường cũng đã mở, hệ thống nước sinh hoạt và nước vào ruộng cũng đã hoàn thành. Nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm lắm, đặc biệt cấp thiết là cần xây một cây cầu kiên cố bắc qua khe suối Lao'.
'Khó khăn lắm mới vận động được người dân rời từ núi cao đến bản làng mới, nhưng mình mà không làm đồng bộ đâu ra đấy, người dân họ lại quay về nơi ở cũ thì bằng không. Nhưng vốn thì địa phương không có, người ta ủng hộ làm được con đường như vậy là chúng tôi đã cảm ơn lắm rồi'. – Trưởng bản cho biết.